Ba nước đồng minh gồm Mỹ, Úc (Australia) và Anh vừa lập một khối quân sự chiến lược mang tên AUKUS nhằm bảo vệ ổn định tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Không nói ra hẳn cũng biết khối này được lập ra nhằm đối phó với Trung Quốc.
Mỹ trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Úc
Mỹ sẽ trang bị cho Úc công nghệ tàu ngầm hạt nhân như một phần của mối quan hệ đối tác tam giác chiến lược AUKUS mới được công bố hôm 15/9. Động thái này cũng được xem là một trong số các bước đi mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thực hiện để củng cố các liên minh, xây dựng bức tường thành chống lại Trung Quốc.
AUKUS cũng có sự góp mặt của Anh và nó cũng sẽ liên quan đến sự hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trọng tâm vẫn là quyết định đưa Úc trở thành một trong số ít các quốc gia có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, đồng thời trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới mà Mỹ cùng phối hợp chế tạo tàu ngầm hạt nhân.
“Các nước chúng ta sẽ cập nhật và nâng cao khả năng chung để đối phó với các mối đe dọa của thế kỷ 21, giống như những gì chúng ta đã làm cùng với nhau trong thế kỷ 20”, ông Biden nói từ Nhà Trắng – nơi ông có cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Ông Morrison mô tả đây là “mối quan hệ đối tác thế hệ tiếp theo, được xây dựng trên nền tảng vững chắc của sự tin tưởng đã được chứng minh” sẽ giúp thúc đẩy “hòa bình và tự do”.
AUKUS nhằm vào Trung Quốc?
Thỏa thuận thiết lập đối tác tam giác chiến lược AUKUS (viết tắt từ tên của 3 quốc gia) – không cung cấp vũ khí hạt nhân cho Australia. Nhưng công nghệ này sẽ cho phép các tàu ngầm của Úc có thể di chuyển xa hơn, giảm độ ồn, qua đó cải thiện năng lực tác chiến trong khu vực đang có sự gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Căng thẳng vốn không phải chuyện xa lạ ở Biển Đông – nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích tuyến hàng hải nhộn nhịp và quan trọng bậc nhất thế giới này. Thêm vào đó, tình hình khu vực luôn tiềm ẩn rủi ro khi Triều Tiên và Hàn Quốc đều tiến hành các vụ thử tên lửa trong tuần gần đây trong bối cảnh đàm phán tiếp tục bị đình trệ.
Một quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên nhấn mạnh rằng “mối quan hệ đối tác này không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào”. Tuy nhiên, phát biểu này dường như đi “ngược dòng” với những nỗ lực sâu rộng của chính quyền Tổng thống Biden nhằm đối đầu với những tham vọng kinh tế và quân sự ngày càng mở rộng của Trung Quốc.

“Tương lai của mỗi nước chúng ta – và thực sự là cả thế giới – phụ thuộc vào một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ tới”, ông Biden nói.
Ngoài AUKUS, Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh đến các cơ chế hợp tác khu vực như nhóm “Bộ tứ kim cương” QUAD (bao gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản). Theo dự kiến, các nhà lãnh đạo của QUAD sẽ họp thượng đỉnh trực tiếp tại Nhà Trắng vào tuần tới.
“Việc hình thành ‘bè phái’ khép kín và riêng biệt nhằm vào nước khác đi ngược xu thế thời đại và đi chệch hướng so với kỳ vọng của các nước trong khu vực. Do đó, nó sẽ không giành được sự ủng hộ nào và chắc chắn sẽ thất bại”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bày tỏ quan điểm.
Tin liên quan:
Trung Quốc bắt các tàu nước ngoài phải khai báo khi đi vào Biển Đông