Chiến thắng Bạch Đằng (938): Nói về thủy chiến Việt Nam, không thể bỏ qua trận Bạch Đằng lừng lẫy năm 938 của vua Ngô Quyền. Chỉ bằng một trận đánh duy nhất, Ngô Vương tiêu diệt hoàn toàn 200.000 quân Nam Hán xâm chiếm nước ta bằng đường biển. Chiến thắng đó chính là lời tuyên bố đanh thép của người Việt, thoát khỏi hơn nghìn năm bị các chế độ phong kiến phương Bắc đô hộ.
Bạch Đằng giang (981): 43 năm sau chiến công hiển hách của Ngô Quyền, vua Lê Hoàn một lần nữa chọn sông Bạch Đằng để quyết chiến, tiêu diệt quân Tống xâm lược. Cọc gỗ được cắm xuống sông, sau đó giả thua để dụ địch vào thế trận mai phục. Cũng như thái tử Hoằng Tháo của nhà Nam Hán xưa kia, viên chủ tướng Hầu Nhân Bảo tiếng tăm lẫy lừng của nhà Tống đã tử trận.
Thủy chiến sông Như Nguyệt (1077): Thủy chiến Như Nguyệt Giang (sông Cầu) là trận thủy chiến, trận đánh quan trọng nhất của thái úy Lý Thường Kiệt và quân đội nhà Lý trong hành trình chống lại quân Tống xâm lược vào năm 1077. Trận đánh này đã đập tan hoàn toàn sức mạnh lẫn ý chí của hơn 100.000 quân chính quy và 200.000 dân phu của nhà Tống do viên tướng Quách Quỳ chỉ huy.
Thủy chiến Vạn Kiếp – Lục Đầu (1285): Ngày 11/2/1285, quân Nguyên chia hai đường thủy bộ theo dòng sông Thương, tấn công hàng loạt cứ điểm của ta ở Vạn Kiếp và núi Phả Lại. Trần Quốc Tuấn cho quân rút lui xuống thuyền. Trước tình hình đó, vua Trần tung thêm lực lượng dự bị ở Thăng Long với quân số khoảng 100.000 người cùng 1.000 chiến thuyền đến cửa Đại Than, nơi sông Đuống đổ ra sông Lục Đầu để trợ chiến cho Trần Hưng Đạo. Một trận thủy chiến ác liệt diễn ra ngay trên sông Lục Đầu. Trận đánh này đã góp công lớn giúp quân dân nhà Trần chặn được thế tiến công của giặc Mông – Nguyên.
Rạch Gầm – Xoài Mút (1785): Rạch Gầm – Xoài Mút là một trong những đỉnh cao chói lọi của người Việt trong hành trình dựng nước và giữ nước. Trên khúc sông Tiền và sông Hậu năm 1785, chỉ bằng một trận duy nhất, kéo dài trong một ngày đêm, Quang Trung – Nguyễn Huệ đánh cho 50.000 quân Xiêm tan tác, chỉ còn vài trăm tên chạy thoát về nước. Chính sử nhà Nguyễn chép: Sau trận Rạch Gầm – Xoài Mút, quân Xiêm tuy ngoài miệng khoác lác nhưng trong bụng sợ Nguyễn Huệ như sợ cọp.