Trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, đề tài có nên bỏ Tết Ta (hay còn gọi là Tết Âm lịch, Tết Nguyên đán) để ăn Tết Tây như đa số các nước trên thế giới như theo đề xuất của Giáo sư Võ Tòng Xuân lại tiếp tục thu hút nhiều bình luận.
Nhiều người cho rằng Tết Ta ngày càng nhạt trong khi việc ăn Tết Tây sẽ giúp Việt Nam hòa nhập với thế giới sâu rộng hơn, không gây đứt gãy kinh tế khi cả thế giới làm thì Việt Nam lại chơi (với quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi). Nhưng cũng có người cho rằng việc bỏ Tết Ta sẽ làm đứt gãy truyền thống tổ tiên từ ngàn đời, khiến Việt Nam trở nên lai căng.
Vì sao cần bỏ Tết Ta ăn Tết Tây
Trong cuộc trao đổi mới đây với báo Thanh Niên, Giáo sư Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ) vẫn giữ nguyên quan điểm cá nhân “ Còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo nữa”.
Cụ thể, Giáo sư Võ Tòng Xuân đề nghị “bỏ” một kỳ ăn tết ta kéo dài ngày, chứ ông không hề muốn “quay mặt hoàn toàn” với Tết cổ truyền: “Tôi ủng hộ chủ trương là mình ăn tết Tây, nhưng đến tết ta không phải mình bỏ hẳn đi, mình vẫn kỷ niệm, nhưng chỉ khoảng 3 ngày thôi…”.
Còn trong mục ý kiến đăng trên báo VnExpress, một độc giả viết: “Khi nhiều nước trên thế giới đang tìm cách bắt nhịp lại sản xuất, khôi phục kinh tế, thì người Việt lại chuẩn bị nghỉ chín ngày để ăn Tết.”
Độc giả này viết tiếp: “Một năm quay cuồng vì Covid, nhiều người bạn của tôi thở dài thườn thượt: “Năm nay chắc không có Tết”. Bất chợt, tôi nghĩ bụng: “Sao không nhân thời điểm này để thử nghiệm gộp Tết cổ truyền?”.
“Ở đây, điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta không ăn Tết Âm lịch nữa, mà có thể dời toàn bộ nhưng phong tục tập quán của Tết Nguyên đán sang dương lịch. Nói cách khác, chúng ta sẽ vẫn đi chúc Tết, vẫn lì xì cho trẻ nhỏ, vẫn vui chơi như bình thường, chỉ có điều sẽ vào đúng ngày 1/1 dương lịch, thay vì đâu đó ở tháng hai như mọi năm. Điều này vừa giúp bảo tồn truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc, vừa giúp hòa nhập sâu hơn với thế giới.”
Theo độc giả này thì người Nhật đã bỏ Tết cổ truyền từ năm 1872, bởi họ nhìn ra được hàng loạt vấn đề khi đón tết Âm lịch. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp Nhật Bản vươn mình thành một cường quốc kinh tế.
Tây còn nghỉ nhiều hơn Việt Nam
Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản bác quan điểm trên khi cho rằng những suy nghĩ như vậy là phiến diện, bởi thực tế Tây còn ăn Tết dài hơn cả Việt Nam!
Một độc giả làm cho công ty nước ngoài kể rằng sếp Tây của họ đi nghỉ từ trước lễ Giáng sinh đến sau ngày Tết dương lịch, kéo dài gần nửa tháng. Đó là chưa kể anh sếp Tây còn nghỉ lễ Tạ ơn (Thanksgiving) rồi hàng loạt National Holiday trong một năm. Đấy là chưa kể các nước Âu Mỹ giờ thường chỉ làm việc 5 ngày/tuần, mỗi ngày làm việc chỉ 6 tiếng thay vì làm 8 tiếng và tăng ca cả ngày thứ 7, Chủ nhật như Việt Nam.
Một độc giả khác đồng quan điểm: “Công ty tôi làm là đa quốc gia. Và các chi nhánh mỗi quốc gia lại nghỉ lễ (từ 1 tuần đến 1 tháng) theo luật và phong tục của nước sở tại. Mọi việc vẫn vận hành bình thường chẳng có gì to tát cả. Và trong các nước thì số ngày nghỉ của chi nhánh Việt Nam là ít nhất và ngắn nhất.”
Tác giả này quy kết: “Các bạn cứ ngồi sính ngoại theo kiểu đọc, nghe chứ không thực sự tiếp xúc cái cách nước khác người ta nghỉ lễ. Họ ăn chơi lễ còn nhiệt tình hơn nước mình nhiều.”
Một ý kiến nữa nhận được nhiều đồng tình: “Tác giả không có nhu cầu nghỉ Tết âm, nhưng sẽ có người muốn nghỉ Tết âm, nên cũng không thể đưa ý kiến cá nhân ra được. Tết âm vẫn là nét đẹp, là truyền thống của dân tộc, là thời gian nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc vất vả, để mọi người xa quê hương được đoàn tụ với gia đình, cũng có người dành thời gian Tết âm để đi du lịch. Như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore họ vẫn đón Tết âm đó thôi, như Trung Quốc ngoài Tết âm họ còn nghỉ Tết đoan ngọ, Tết thanh minh. Đất nước họ vẫn phát triển.”
“Với nghỉ Tết dương ở nước mình thực chất cũng chỉ có nghỉ có 1 ngày thôi. Các nước Châu Á họ cũng nghỉ như vậy. Hơn nữa, xét tổng thể về các ngày nghỉ lễ ở Việt Nam so với các nước không nhiều bằng họ. Cho nên mình nghĩ cũng không nên bỏ Tết âm.”
Vậy theo bạn, Việt Nam có nên bỏ Tết Âm lịch hay không khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần?