Từ “xác khỉ” cháy đen trong rừng
Nhiều năm đã trôi qua, nhưng những người dân thôn Đá Cóc vẫn không thôi sợ hãi về hình ảnh người thợ săn ông Đinh Văn Ngạch (sinh năm 1946, ngụ thôn Đá Cóc, xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) buộc xác “con tinh tinh quý hiếm” bằng dây rừng rồi vượt mấy ngọn đồi cao kéo về sân nhà và cùng dân làng nấu cao.
Thời điểm đó, ông Đinh Văn Ngạch được một chủ rừng trong vùng tên Nguyễn Văn Ước thuê trông coi khu rừng trồng cây lấy gỗ trên đồi Đồng Cốc, cách nhà hơn 3km.
Chiều ngày 5/12/1998, ông phát hiện một vật thể lạ, đã cháy đen, dáng giống hệt một con khỉ, nhưng to lớn hơn khỉ vài lần. Nhìn vật thể cháy đen, ông thợ săn suy đoán đây là một con vật chết cháy. Quan sát kỹ hình dáng, ông thợ săn khẳng định đây là loài tinh tinh quý hiếm. Ông tìm loại dây rừng bền chắc, dẻo, buộc vào xác, vắt dây lên vai, kéo vượt qua quả đồi, đưa về làng.
Biết tin ông Ngạch săn được loài “động vật quý hiếm” xưa nay chưa từng xuất hiện ở địa phương, dân làng từ già đến trẻ nô nức kéo đến sân nhà ngắm nghĩa, trầm trồ ngợi khen.
Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng thôn Đá Cóc nhớ lại, khi đó ông đã làm trưởng thôn cũng sang xem tình hình. Theo mô tả của ông trưởng thôn, cái xác khi ấy đã bị biến dạng, cháy xém, đen thui, lưng gù, bắp chân vừa to vừa dài. Đặc biệt, quan sát thấy hai bàn tay co quắp, móng tay khá dài, chi trước phồng lên.
Trông giống y hệt con tinh tinh mà mọi người được xem trong tranh ảnh, tivi. Quả thật nó quá giống khiến cả tôi khi đó cũng tin rằng đó là loài vật quý hiếm”, ông trưởng thôn trần tình. Vì thấy “con vật” có kích thước to, dài, dân làng còn khiêng ra giữa sân để đo chiều dài, cân nặng.
Sáng hôm sau, ông Ngạch cùng anh em trong nhà và một số hàng xóm thân thích chuẩn bị dao, thớt, gầu múc nước, ra ao đầu làng. “Con tinh tinh” được khiêng theo để rửa sạch, mổ xẻ. Tổng cộng có khoảng trên 10 người trực tiếp tham gia việc mổ xác, cùng hàng chục người khác là dân làng tò mò đến xem.

“Cả làng mở hội”
Cũng trong buổi sáng hôm đó, thông tin về việc dân làng bắt được “động vật quý hiếm” đã đến tai cơ quan chức năng. Một cán bộ kiểm lâm địa phương được cử đến nhưng lúc đó người dân đã mổ xác xong. Sau khi xương, thịt được phân loại xong xuôi, họ bắt tay nấu cao. Ông trưởng thôn còn năn nỉ mua lại một phần xương cốt để mang về nấu cao, nhưng không được săn đồng ý. “Cũng may về sau tôi không mua được. Nghĩ lại đến giờ vẫn thấy rùng mình dựng hết gai ốc”, ông trưởng thôn nhớ lại.
Hơn chục người cả ngày lẫn đêm thay phiên nhau trực nồi cao. Lò lửa luôn được đốt hết công suất, lâu lâu lại thêm nước vào nồi, tránh việc nước cạn, có thể cháy nồi cao. Ai cũng háo hức chờ đợi “nồi cao quý” ra lò.
Sau 3 ngày 3 đêm, việc nấu cao hoàn thành. Loại cao này khá mềm, có màu đỏ nhạt chứ không giống màu nâu, cứng như những cao khỉ thông thường. Bõ công bao ngày háo hức chờ đợi, nay nồi cao nấu xong, mọi người liền đi mua rượu, ngâm với một phần cao rồi tò mò thưởng thức “rượu quý”. Rất đông dân làng cùng được uống loại rượu này chứ không riêng ai.
Nhân chứng Nguyễn Văn Đông (sinh năm 1964, ngụ khu Dốc Cóc, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) kể: “Nói thật khi ấy mọi người nói là rượu quý, lại rất bổ, cả đời gặp một lần nên tôi mới uống hai chén. Nó gây xộc thẳng lên mũi, gây đến mức không thể tưởng tượng được vì trên đời này chưa có cái gì để so sánh”.
Nồi cao hôm đó, sau khi cô đặc lại, có trọng lượng hơn 1kg. Trong thời gian chờ cao khô cứng để phân chia, mọi người rụng rời chân tay vì một nghi vấn. Mới nghe đặt giả thiết, người nào đã lỡ uống “cao tinh tinh”, cảm giác gây gây lại xộc lên, móc mồm móc miệng ọe ra cả tuần lê lết.
Không ai ngờ cái xác hôm ấy là xác người.
(còn tiếp)
Kỳ bí vụ nấu nhầm cao người ở Phú Thọ (phần 2)
Kỳ bí vụ nấu nhầm cao người ở Phú Thọ (phần 3)
Theo Pháp luật Việt Nam