Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện gây chấn động khi tìm thấy một phôi khủng long được bảo quản tinh vi từ ít nhất 66 triệu năm trước đang chuẩn bị nở ra từ quả trứng, trông giống như quả trứng gà sắp nở.
Hóa thạch được phát hiện ở Cám Châu, thuộc tỉnh Giang Tô, miền nam Trung Quốc và thuộc về một loài khủng long không răng, hay còn gọi là oviraptorosaur, được các nhà nghiên cứu đặt tên là “Baby Yingliang”.
Trứng khủng long hoàn hảo nhất trong lịch sử
“Nó là một trong những phôi khủng long tốt nhất từng được tìm thấy trong lịch sử”, nhà nghiên cứu Fion Waisum Ma của Đại học Birmingham, đồng tác giả bài báo trên tạp chí iScience, nói với hãng tin AFP hôm thứ Ba.
Ma và các đồng nghiệp nhận thấy đầu của Baby Yingliang nằm bên dưới cơ thể của nó, với bàn chân ở hai bên và lưng cong – một tư thế trước đây chưa từng thấy ở khủng long, nhưng tương tự như các loài chim hiện đại.
Ở loài chim, hành vi này được kiểm soát bởi hệ thống thần kinh trung ương và được gọi là “tút”. Gà con chuẩn bị nở cúi đầu dưới cánh phải của chúng để ổn định đầu trong khi chúng dùng mỏ bẻ vỏ.
Phôi có khả năng chết sau khi nở không thành công.
Ma nói: “Điều này chỉ ra rằng hành vi như vậy ở các loài chim hiện đại lần đầu tiên tiến hóa và bắt nguồn từ tổ tiên khủng long của chúng.
Tư thế này gần giống với những gì được thấy ở cá sấu hiện đại, với đầu cúi xuống ngực để nở.
Oviraptorosaurs, có nghĩa là “thằn lằn trộm trứng”, là loài khủng long lông vũ sống ở khu vực ngày nay là châu Á và Bắc Mỹ trong Kỷ Phấn Trắng muộn.

Chúng có hình dạng mỏ, chế độ ăn khác nhau, có kích thước khác nhau, từ to như con gà tây hiện đại cho đến những con Gigantoraptor khổng lồ dài 8 mét.
Giống như chú chim non cuộn tròn trong quả trứng
“Bé” Yingliang dài khoảng 27cm từ đầu đến đuôi và nằm bên trong một quả trứng dài 17cm tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đá Yingliang.
Các nhà nghiên cứu tin rằng sinh vật này có tuổi đời từ 72 đến 66 triệu năm và có lẽ đã được bảo tồn bởi một trận lở bùn bất ngờ đã chôn vùi quả trứng, bảo vệ nó khỏi những kẻ ăn xác thối.
Nếu còn sống và trưởng thành, nó sẽ dài từ hai đến ba mét.
Mẫu vật này là một trong số những hóa thạch trứng đã bị lãng quên trong kho lưu trữ trong nhiều thập kỷ.
Nhóm nghiên cứu nghi ngờ chúng có thể chứa khủng long chưa sinh và đã cạo một phần vỏ trứng của Baby Yingliang để phát hiện ra phôi thai ẩn bên trong.
“Phôi khủng long bên trong trứng của nó là một trong những hóa thạch đẹp nhất mà tôi từng thấy”, Giáo sư Steve Brusatte thuộc Đại học Edinburgh, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố.
“Con khủng long nhỏ trước khi sinh này trông giống như một chú chim non đang cuộn tròn trong quả trứng của nó, đây là bằng chứng cho thấy nhiều đặc điểm đặc trưng của loài chim ngày nay lần đầu tiên được phát triển trong tổ tiên khủng long của chúng.”
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ nghiên cứu chi tiết hơn về Baby Yingliang bằng cách sử dụng các kỹ thuật quét tiên tiến để có thể nhìn thấy hình ảnh đầy đủ của bộ xương, bao gồm cả xương sọ của nó vì một phần cơ thể vẫn bị đá bao phủ.