Quan Âm vốn là một hình tượng Bồ Tát phổ biến trong văn hóa Phật giáo. Bài viết này sẽ giới thiệu về Quan Âm như là một hình tượng từ trong kinh sách, và có những diễn biến qua nghìn năm lịch sử của Việt Nam.
Theo kinh điển, thì Bồ Tát có 33 hiện tướng khác nhau, những hiện tướng cơ bản mà người Việt biết đến gồm có Dương Liễu Quan Âm, Quan Âm Tọa Sơn, Long Đầu Quan Âm,…
Ngoài ra, có những biến thể Việt Nam khác như: Quan Âm Tống Tử, Nam Hải Quan Âm hay Quan Âm Diệu Thiện. Ban đầu, khi ở Ấn Độ, Quan Âm là nam tướng, sau này dần được diễn hóa thành nữ tướng, đó là một quá trình bản địa hóa cho phù hợp với tín ngưỡng thờ mẫu và hệ thống nữ thần trong văn hóa Đông Á và Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Quan Âm liên quan đến Đại Bi chú và Đại Bi tâm đà la ni, Phật đỉnh kinh được khắc trên các kinh tràng vào thời Đinh – Tiền Lê.
Năm 979, Đinh Liễn đã cho dựng hơn 100 bảo tràng nhằm để cầu siêu cho Thái tử Hạng Lang – người em ruột cùng cha khác mẹ đã bị Đinh Liễn giết để tranh giành quyền lực. Năm 1005, kinh tràng cầu siêu cho Lê Đại Hành cũng được dựng lên, hiện nay bảo tràng này được đặt trong chùa Nhất Trụ tại Ninh Bình.
Vào thời Lý, sau khi hệ thống Đại tạng kinh được thỉnh về Đại Việt qua nhiều lần ngoại giao với nhà Tống (vào các năm 970, 1005, 1009, 1023, 1027, 1034), hình tượng Quan Âm từ các kinh tạng hoàng gia lưu truyền ra dân gian bằng các bản sao chép của các thiền sư tại các tổ đình.
Đặc biệt, thời Lý Trần, hình tượng Quan Âm lưu hành rộng rãi thông qua kinh Pháp hoa. Phẩm Phổ môn của kinh này được coi là cội nguồn cho tín ngưỡng Quan Âm. Kinh Pháp hoa được sử dụng cho hoạt động “trì kinh”, thậm chí ứng dụng cho khoa cử Phật giáo, được dùng làm mô hình để xây dựng chùa tháp (như Sùng Thiện Diên Linh).
Đặc biệt thiền sư Ma Ha – học trò của Đỗ Pháp Thuận, từ năm 990-1014, chuyên trì tụng kinh Đại Bi tâm chú, được Quan Âm Bồ Tát lấy cành dương rưới cam lộ (“Thiền uyển tập anh”, tr.50a). Thiền sư Đạo Hạnh (?- 1117) chuyên tụng chú Đại Bi tâm đà la ni đủ 10 vạn 8 ngàn biến.
Các sử liệu trên cho thấy, Dương Liễu Quan Âm – một trong những hiện tướng của Quan Âm Diệu Thiện đã xuất hiện ở Đại Việt vào thế kỷ 11-12. Cứ liệu rõ rệt nhất là văn bia chùa Diên Phúc (khắc năm 1157) ghi chép việc thân mẫu đại thần Đỗ Anh Vũ cho thờ Đại Bi Quan Âm.
Bia mô tả: “Lập chùa Phật ở chính giữa, xây hành lang ở mé ngoài. Dựng tượng Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát nghiêm trang, hai bên có tượng Văn Thù, Phổ Hiền, mé trái là Bà Tẩu Tiên Nhân, mé phải là Công Đức Thiên Nữ.
Ở dưới tòa sen có Tứ Đại Thiên Vương làm hộ vệ; hai bên mé hiên đặt tám vị Thần tướng nhà Phật”. Văn bia này là sử liệu sớm nhất cho biết Quan Âm được thờ như là tôn chủ cao nhất của một tự viện. Dấu hiệu tính nữ cũng tương đối rõ, khi người dựng chùa thờ Quan Âm là phụ nữ.
Trước đó ta cũng biết đến bà Thái hậu Ỷ Lan cho dựng hàng chục chùa tháp như chùa Bà Tấm (Gia Lâm), và được sử gia ngợi ca là Quan âm nữ. Mối quan hệ giữa tín ngưỡng Quan Âm và các bà sẽ tạo thành truyền thống về sau.
Sang đến triều Trần, nhà Trần cập nhật thỉnh kinh mới từ nhà Nguyên vào năm 1296, và cho cất ở phủ Thiên Trường. Hình tượng Quan Âm được nhắc đến sớm nhất là trong sách “Khóa hư lục” của Vua Trần Thái Tông (1218-1277): “Diệu Thiện không vời Phò mã, quả nhiên thành Phật”.
Nguyên ủy câu này được lấy từ sách “Kim cương khoa nghi” của Tông Kính soạn vào năm 1242. Lê Mạnh Thát cho rằng, đây là một cứ liệu quan trọng cho thấy sự tích Nam Hải Quan Âm Diệu Thiện đã được lưu hành trong đời sống văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Như ta biết, Diệu Thiện là một biến thể Đông Á của Quan Âm, là một hình tượng đã được nữ hóa dưới quan niệm báo hiếu của cả Phật giáo và Nho giáo. Bà con gái của Vua Trang Vương, đã chống lại lệnh vua cha, không chịu lấy chồng, và tin theo Phật pháp.
Khi gia đình bị nạn, bà đã cắt thịt của mình, hy sinh đôi tay đôi mắt để chữa bệnh cho cha mẹ. Hình tượng Diệu Thiện được xây dựng như là một biểu tượng của người con gái ngoan đạo, biết xả thân để hoàn thành việc báo hiếu cho cha mẹ.
Chứng tích vật chất có thể thấy được là hàng loạt các chùa Đại Bi thờ Quan Âm được dựng vào thời Trần. Năm 1289, chùa Đại Bi Diên Minh xây dựng, văn bia ghi chép chùa thờ Đại Bi Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn (bia 5309).
Năm 1313, Tam tổ Huyền Quang (1254-1334) đã dựng chùa Đại Bi trên quê hương Vạn Tải, với ý nghĩa được giải thích là đặt theo truyện Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát chứng đắc cho cha mẹ quy y nhà Phật. Hành động này là thực hiện theo ghi chép của phẩm Dược vương trong kinh Pháp hoa, kể về hai vị vương tử con Vua Diệu Trang Nghiêm Vương, sau khi đắc đạo đã thành hai vị Dược vương.
Nguồn: https://phatgiao.org.vn/quan-am-bo-tat-trong-lich-su-nghin-nam-cua-viet-nam-d48106.html