Mới đây, trang Phatgiao.org của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đăng tải bài viết bác bỏ thông tin cho rằng việc Hòa thượng Thích Viên Thành (trụ trì Chùa Hương) viên tịch là do có liên quan đến bí ẩn ở sông Tô Lịch, như mô tả trong loạt bài báo gây chấn động đăng trên tờ Bảo vệ Pháp luật, thường được gọi là vụ Thánh vật sông Tô Lịch.
Thành vật sông Tô Lịch là gì?
Theo tờ báo này, tháng 9/2001, đội thi công số 12, Công ty Xây dựng VIC, do ông Nguyễn Hùng Cường làm đội trưởng, trong khi nạo vét sông Tô Lịch thuộc địa phận làng An Phú, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã phát hiện được di vật cổ rất lạ. Đó là 7 cây gỗ được chôn đứng dưới lòng sông, tạo thành một đa giác đều. Tại đó có các bộ hài cốt bị đóng đinh bả vai, táng giữa các cọc gỗ.
Ngoài ra, họ còn phát hiện được tấm gỗ vàng tâm có bát quái, một số đồ gốm, xương voi, ngựa, dao, tiền đồng… Sau đó, nhóm công nhân đã rút những cọc gỗ đó lên, lấy các bộ hài cốt chôn tại nghĩa trang Bát Bạt, Hà Tây.
Khi ấy, bảo tàng Hà Nội đã tổ chức hội thảo với sự tham dự của nhiều chuyên gia hàng đầu về khảo cổ học. Tại hội thảo, giáo sư Trần Quốc Vượng đã đặt giả thiết nơi thi công là vị trí phía Tây của La Thành, cổng phía Tây của Hoàng thành, nên ngoài lính thì còn có thần trấn giữ 4 cửa (Thăng Long tứ trấn) nên có thể có yểm bùa hay làm lễ hiến sinh.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS Đỗ Văn Ninh cho rằng đây là một trong 6 “ủng môn” còn sót lại duy nhất, khá rõ nét, đáng tin cậy để nghiên cứu về những ủng thành khác đã được nhắc và ghi lại trong một số bản đồ cổ.
Điều đáng nói là tờ báo thuật lại lời ông Cường cho rằng nhiều người tham gia nạo vét đoạn sông đó đều gặp tai ương. Không những thế, bí ẩn của đoạn sông còn liên quan tới cả cái chết của Giáo sư Trần Quốc Vượng và Thượng tọa Thích Viên Thành vì hòa thượng cũng đến làm lễ cúng ở hiện trường.
Lời kể của ông Nguyễn Hùng Cường trên mặt báo như sau: “Đến tháng 11/2001 nhờ tích cực vận động, tôi đã mời được Thượng toạ Thích Viên Thành ở Chùa Hương về làm lễ cúng cho tôi ở hiện trường. Vừa đến hiện trường, thầy đã ngồi xuống nhắm mắt niệm Phật. Niệm một lúc thầy đứng lên nói: Đây là trận đồ trấn yểm rất nguy hiểm; Vì vậy các đệ tử thầy sẽ lập đàn tràng hoá giải. Sau đó thầy lập đàn tràng ở bờ sông hoá giải trấn yểm. Lễ xong, thầy Thích Viên Thành nói với mọi người: “Mặc dù thầy đã cố hoá giải nhưng anh em phải cẩn thận, còn anh Cường thì phải chịu nhiều hậu quả, gia đình, anh em con cháu cũng gặp hoạ”. Rồi buồn buồn thầy nói: “Vì cái đàn tràng này tính mạng thầy cũng khó giữ”. Ba tháng sau, thầy Thích Viên Thành hoá. Các đệ tử nói thầy mất vì trận đồ trấn yểm ở sông Tô Lịch”.

Thượng tọa Thích Viên Thành lúc đó đương là trụ trì chùa Hương Tích. Thượng tọa tu theo pháp tu Mật Tông, thiên về niệm chú. Đặc biệt Thượng tọa Viên Thành am tường về phép “Thạch điểm sơn đầu”. Theo thuyết nhà Phật, phép này thường dùng cho những lễ nhập trạch, lấy đá tảng để yểm những nơi cốt địa, khiến ma quỷ, vong linh không thể lai vãng, quấy quả.
Chính vì thế, nhiều người đã lồng ghép điều đó với sự kiện ở sông Tô Lịch, như lời kể của ông Nguyễn Hùng Cường.
Hòa thượng Thích Viên Thành chưa từng đến nơi “Thánh vật sông Tô Lịch”
Tuy nhiên, đệ tử chân truyền của Thượng tọa Thích Viên Thành là Đại đức Thích Minh Hiền (Phó Trưởng ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) thì sinh thời, Thượng tọa Thích Viên Thành chưa một lần đặt chân tới nơi được coi là vị trí “thánh vật trên dòng sông Tô Lịch”.
Đúng là ông Hùng Cường đã khẩn thiết mời Thượng tọa đến trấn yểm, song Hòa thượng Thích Viên Thành chỉ cử một số đệ tử đến cúng lục đạo, tức là cúng chúng sinh ở khu vực sông để làm an những linh hồn trú ngụ ở nơi đó. Mà cúng chúng sinh là việc làm rất thường xuyên của tất cả các đền, chùa, kể cả các cửa điện tại gia của các thầy bà trong thiên hạ.
Một số đệ tử của Thượng toạ Thích Viên Thành đều nói phút lâm chung, thầy không hề nói gì đến việc trận đồ trấn yểm ở khúc sông đó. Thế nên, thông tin nói Thượng tọa Thích Viên Thành qua đời vì liên quan đến trận đồ trấn yểm là không đúng.
Thượng tọa Thích Viên Thành viên tịch vì đã mãn nghiệp, đã hết duyên với cõi sa bà. Thượng tọa kết thúc kiếp đời này để tái sinh trong một kiếp luân hồi khác. Đó là quy luật, đã hết duyên thì không thể níu kéo được. Việc gán sự viên tịch của Thượng tọa với một nguyên nhân cho rằng bởi “Thánh vật” trên sông Tô Lịch là chưa đúng với triết lý Phật giáo.