Câu chuyện phim Vị (Taste) của đạo diễn Lê Bảo bị cấm chiếu, dẫn đến việc nhà sản xuất đổi quốc tịch Singapore để đi thi quốc tế (giành một giải phụ ở Berlinale và tại một liên hoan phim mới đây ở Đài Bắc) đang gây nhiều sự chú ý của dư luận.
Phim Vị dung tục hay nghệ thuật?
Tranh cãi nằm ở chi tiết một cầu thủ bóng đá gốc Phi không tìm được việc tại Sài Gòn, sống chung với nhóm 4 phụ nữ Việt đứng tuổi. Trong phim có trường đoạn các nhân vật ngồi ăn cơm trong tình trạng lõa thể. Thậm chí, có tin nói rằng phim có cảnh giao hoan giữa anh chàng người Phi với cả 4 phụ nữ Việt.
Cục Điện ảnh cho biết phim có cảnh se.x quá dài đến mức không thể cắt được nên giải pháp đưa ra là không cho phát hành, tạo nên tranh cãi về chuyện kiểm duyệt tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, phim mô tả hình ảnh phụ nữ Việt Nam một cách dơ bẩn nên cấm chiếu là đúng. Trong khi đó, luồng ý kiến ngược lại thì cho rằng công chúng Việt không cảm thụ được nghệ thuật của các nhà làm phim “art-house”; rồi các nhà làm phim có quyền sáng tạo, và nghệ thuật không nhất thiết cứ phải bê nguyên hiện thực cuộc sống lên phim; hay dòng phim art-house thường sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ, và cảnh se.x trong phim là sự biểu đạt ý tưởng của đạo diễn…
Để rộng đường dư luận, xin giới thiệu bài viết dưới đây của một đạo diễn truyền hình, để thấy những góc nhìn khác nhau về hiện tượng phim Vị.
Cái tay che mắt và quyền quyết định
Ở lứa tuổi tôi, thời thơ ấu, ai ai hẳn cũng bị phụ huynh lấy tay che mắt hoặc bị bắt quay mặt đi khi đến những cảnh “nhạy cảm” trên tivi. Đó đều là những cảnh “người lớn” đã qua kiểm duyệt, nghĩa là chỉ dừng lại ở mức ôm nhau hời hợt và nói những lời âu yếm khuôn sáo. Sự kiểm duyệt bắt đầu từ chính mỗi gia đình với nỗi lo sợ con mình bị tiêm nhiễm những văn hóa phẩm độc hại khi nó chưa trưởng thành và chưa có khả năng tự đưa ra lựa chọn đúng.
Khi những đứa con lớn lên, cha mẹ đã thôi đưa những cánh tay che mắt thì đã có cơ quan quản lý làm thay việc đó. Một nhóm người không rõ do ai bầu ra sẽ quyết định xã hội được xem cái gì hay không, cái gì là có lợi cho sự phát triển của văn hóa, cái gì kéo tụt văn minh nước nhà – nhân dân cần lao mà xem thì có hại lắm lắm.
Có lẽ không cần bàn về khả năng tiếp cận các thông tin không giới hạn ngay cả khi bị chặn về mặt kỹ thuật và pháp lý. Nếu đã muốn xem thì sẽ có cách xem. Bởi thế đôi khi, việc cấm 1 cuốn sách hay 1 bộ phim được phát hành lại là cách PR hoàn hảo nhất cho 1 tác phẩm, kể cả những tác phẩm dở tệ, chứ không phải là cách ngăn nó tiếp cận với công chúng. Và lệnh cấm lại gây ảo tưởng cho những tác giả – ôi mk, tôi là thiên tài đang bị đối xử bất công. Khi một đống phân bị đối xử bất công, nó đương nhiên nặng mùi hơn một cái bánh trung thu BP!
Với tư cách là người thường xuyên phải duyệt các tác phẩm, tôi rất chia sẻ sự khó khăn của những người phải làm công tác này. Vô vàn những quy định thành văn và đa số là bất thành văn phải nhét vào đầu, đôi khi phải viện đến sự nhạy cảm để duyệt. Mà đã nhạy cảm thì tốt nhất nên lựa chọn phương thức an toàn, cắt bỏ đi cho ai cũng yên tâm, nhất là nó còn cóc phải đứa con đẻ của mình. Đó là lúc người duyệt đưa ra quyết định vì sự an toàn và thuận việc của mình chứ không phải vì sự an toàn của xã hội. Chưa kể tri thức của 1 nhóm không bao giờ đuổi kịp tri thức của cộng đồng và “những thế lực thù địch”.
Tôi hay lấy ví dụ một bộ phim ẩm thực Philipin về cá biển được được làm bởi người Đức và được tài trợ bởi Trung Quốc đã gọi những con cá câu được ấy tại lãnh hải đang tranh chấp giữa Việt Nam và TQ là vùng biển TQ. Một hành trình đi vòng như vậy, ai sẽ đủ trình độ để kiểm duyệt. Nó không đơn giản như hình ảnh hình bản đồ thấy lưỡi bò hay thiếu Hoàng Sa Trường Sa. Bởi thế trên thực tế, chúng ta chủ yếu kiểm duyệt được hình ảnh mà chúng ta coi là sex bẩn, chúng ta gặp vô vàn khó khăn trong việc kiểm duyệt những nội dung chủ quyền lãnh hải.
Thật may mắn? là ngay cả khi cái tay che mắt bị hở mấy cái khe, một số ấn phẩm in nhầm bản đồ TQ thì người dân Việt Nam chả ai nghĩ Hoàng Sa Trường Sa là của TQ cả. Thử đem một phim sex bẩn ra chiếu rạp, số người mua vé đi xem sẽ là thước đo cho dân trí. Không thể sợ nếu chiếu phim xã hội đen thì xã hội sẽ xuất hiện nhiều xã hội đen được. Đó là tư duy xem thường khả năng lựa chọn và nhận thức của nhân dân.

Còn nếu bạn băn khoăn sao có những tác phẩm được nhiều nước phương Tây đánh giá cao nhưng lại không được chấp nhận tại cộng đồng địa phương? Khái niệm human zoo có thể là một cách lý giải. Các quốc gia tự xem là văn minh thường thích xem những cảnh ăn lông ở lỗ của các tộc người hoặc xã hội nhiều thuộc tính Con trong thế giới đương đại, có thể là phục dựng lại hoặc là đời sống thật, những cảnh làm họ gia tăng khoái cảm thượng đẳng.
Khi ấy, chủ nghĩa nhân đạo lập tức ra lệnh bơm máu tràn ngập trái tim, biến thành nhiệt huyết đi giải cứu cho nền văn minh thế giới. Đó là lý do nhiều tổ chức cần những hình ảnh human zoo như một bằng chứng sống động để phải lập tức hành động. Khi tôi nói chuyện với 1 chuyên gia làm việc trong các trại tị nạn, tôi hiểu những hình ảnh như vậy còn là cơ sở thuyết phục nhất để đòi cấp thêm kinh phí.
Nguồn: FB Trương Công Tú