Thông tin ca sỹ Phi Nhung qua đời vào trưa ngày 28/9 tại bệnh viện Chợ Rẫy đã khiến nhiều người bàng hoàng, dù vẫn biết tình hình sức khỏe của cô ca sỹ hải ngoại xấu đi trông thấy trong những ngày gần đây.
Ở tuổi 49, con số đầy vận hạn trong văn hóa phương Đông, có thể nói “đã đến lúc, Phi Nhung có thể quẳng gánh lo đi. Chị khép lại hành trình thiên sứ của mình để yên nghỉ. Cho đến tận lúc ra đi, chị vẫn nhận tình cảm nồng nhiệt của bạn bè đồng nghiệp, khán giả. Không phải tự nhiên, chị nhận được nhiều tình cảm của khán giả đến vậy,” như lời người đại diện truyền thông của cô cho biết.
Phi Nhung sinh ngày 10/4/1969, tên thật là Lê Thị Tuyết Lan, sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại vùng đất Pleiku. Cô là kết quả của mối tình giữa mẹ và một lính Mỹ. Dù không được ông ngoại chấp nhận nhưng mẹ cô vẫn quyết giữ lại giọt máu của mình và trốn vào chùa sinh con.

Khi Phi Nhung lên một tuổi, mẹ cô đi bước nữa với người chồng quê Cam Ranh (Khánh Hòa). Phi Nhung ở lại sống với ông bà ngoại và luân phiên qua nhà các dì, các cậu. Tuy nhỏ tuổi, nhưng cô luôn hiểu chuyện và cố gắng làm hết việc nhà để đỡ đần người lớn. Vì là con lai, nên Phi Nhung luôn phải chịu điều tiếng, bắt nạt trong suốt thời đi học của mình.
Thiếu thốn tình cảm từ nhỏ, Phi Nhung luôn mơ ước được sống trong vòng tay của mẹ và được gọi hai tiếng “mẹ ơi”. Chia sẻ trong chương trình Ký ức vui vẻ, Phi Nhung kể trong nước mắt: “Tôi rất thần tượng mẹ và thèm được gọi hai tiếng mẹ ơi nhưng không dám. Năm 8 tuổi, tôi được mẹ đón về ở chung nhưng chỉ dám nhìn mẹ từ xa và gọi thầm trong miệng. Đến khi mẹ qua đời, tôi mới có thể thốt lên hai tiếng thiêng liêng đó và hứa sẽ thay mẹ nuôi các em ăn học thành tài”.
Năm 1989, Phi Nhung người mợ bảo lãnh sang Mỹ định cư theo diện con lai. Ở nơi xứ người, giọng ca Bông điên điển được một tổ chức từ thiện dạy tiếng Anh trong 6 tháng và đào tạo cấp chứng chỉ dọn dẹp vệ sinh để có thể đi làm ở khách sạn. Cô tranh thủ làm nhiều việc cùng lúc để có tiền trang trải cuộc sống, từ may vá thuê, đến công nhân sản xuất đèn cầy rồi đóng hộp thực phẩm.

Trong một buổi biểu diễn từ thiện tại nhà thờ, Phi Nhung tình cờ gặp Trizzie Phương Trinh là ca sĩ nổi tiếng tại hải ngoại thời đó. Được sự giúp đỡ của Trizzie, Phi Nhung bắt đầu học hỏi, rèn luyện và theo đuổi sự nghiệp ca hát.
Dù không xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng Phi Nhung sở hữu chất giọng đặc biệt, truyền cảm, lay động người nghe qua các ca khúc dân ca, trữ tình.
Những năm 1994-1998, Phi Nhung được biết đến là nữ ca sĩ ra nhiều album nhất, doanh số bán chạy cũng thuộc hàng kỷ lục nên cô được đồng nghiệp và khán giả ưu ái đặt cho nghệ danh ”Nữ hoàng băng đĩa”, với những bản hit mang âm hưởng buồn như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Bông điên điển, Những đồi hoa sim, Lối về xóm nhỏ…
Trên sân khấu hải ngoại, cô kết ghợp thành công với Mạnh Quỳnh, tạo thành cặp đôi số 1 trong dòng nhạc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ.
Bên cạnh đó, Phi Nhung còn thử sức ở lĩnh vực diễn xuất và ghi dấu ấn qua các vai diễn trong phim Lâu đài tình ái, Mùi hoa dại, Hy sinh đời trai và các vở Ngao sò ốc hến, Vợ thằng Đậu, Dâu đất khách,…
Đặc biệt, cô còn thường xuyên góp mặt với vai trò giám khảo trong các cuộc thi âm nhạc như Solo cùngBolero, Ngôi Sao Phương Nam, Duyên dáng Bolero,… và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của các thí sinh.
Trưởng thành trong hoàn cảnh mồ côi, nghèo khó, Phi Nhung thấm thía nỗi đau bản thân từng nếm trải, nên cô luôn cố gắng giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình. Cũng vì lý do đó mà Phi Nhung được biết đến là nữ nghệ sĩ có nhiều con nuôi nhất Việt Nam.
Ngoài việc gắn tên mình với công việc thiện nguyện, Phi Nhung còn được biết đến như là một Phật tử có căn duyên. Cô từng tham gia nhiều buổi thuyết pháp, nói chuyện về tình mẫu tử, về lẽ sống.
Theo Hòa thượng Thích Nhật Từ, Tăng đoàn chùa Giác Ngộ cử hành Lễ tưởng niệm và cầu siêu ca sĩ Phi Nhung vào lúc 18:45 ngày 28/9/21 trên Facebook Thích Nhật Từ và YouTube Đạo Phật Ngày Nay.