Vào thời điểm ấy, đế quốc Ottoman đã trượt dài khỏi đỉnh cao cường thịnh từ rất lâu, nhưng vẫn chưa chính thức cáo chung. Cơn vật vã đó chỉ thực sự chấm dứt với sự kết thúc của Đệ nhất Thế chiến. Song, khi Chiến tranh Balkan lần thứ nhất bùng nổ, Ottoman đã không ngừng bị các đại cường châu Âu “xâu xé”.
Từ Hiệp ước Berlin ký kết ngày 1/7/1878 cho đến đầu thế kỷ XX, lần lượt đã có từng mảnh của đế quốc Ottoman tuyên bố độc lập. Trong đó, với sự hậu thuẫn của những người anh em thuộc chủng tộc Slave ở phía Bắc – nước Nga, có một giấc mơ “Đại Serbia” bắt đầu nhen nhóm, để sau này được cụ thể hóa thành cái tên Nam Tư (Yugoslavia – Nam Slave), đất nước của những người Slave ở Nam Âu theo Chính thống giáo Đông phương.
Có những điều khoản trong Hiệp ước Berlin, điều 23 và điều 62, quy định rằng chính quyền đế quốc Ottoman sẽ phải đối xử bình đẳng với mọi công dân của mình, bất kể tín ngưỡng hay tôn giáo. Song, khi tận tâm nỗ lực làm mọi cách để cải tổ đất nước nhằm đưa Ottoman trở lại thời hoàng kim, Sultan (Hoàng đế Hồi giáo) Abdul Hamid đệ nhị lại phớt lờ nhu cầu (và cũng là xu hướng tất yếu) này. Là một vị vua sùng đạo, ông dĩ nhiên vẫn tuyệt đối ưu tiên các công dân là tín đồ Hồi giáo, trao cho họ mọi đặc quyền, bất kể họ có là thiểu số ở không ít khu vực nằm trong cương thổ đế quốc.
Chính bởi thế, ngày 27/4/1909, khi Abdul Hamid bị cuộc cách mạng khởi phát từ Macedonia, do một nhóm dân tộc chủ nghĩa mang tên Thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ (Young Turks) lật đổ, những mầm mống chia rẽ mau chóng biến đế quốc Ottoman thành mồi ngon cho những toan tính địa chính trị, khi quyền cai trị của triều đình trung ương Ottoman tại Constantinople (nay là Istanbul) lung lay đến tận gốc rễ.