Truyện Tây Du Ký do Ngô Thừa Ân sáng tạo ghi lại hành trình từ Đại Đường sang Tây Trúc thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng. Truyện cũng được nhiều lần dựng thành phim, trong đó nổi tiếng nhất là phiên bản Tây Du Ký 1986 của đạo diễn Dương Khiết.
Cả phim lẫn truyện đều hấp dẫn không chỉ bởi những tình tiết hàng phục yêu ma của Tôn Ngộ Không, mà còn bởi chứa đựng nhiều triết lý sâu xa của Nhà Phật.
Vì sao Ngộ Không phải đeo vòng kim cô
Một trong số đó là trường đoạn khi Đường Tăng mới giải cứu Tôn Ngộ Không khỏi cảnh bị đè dưới Ngũ Hành Sơn suốt 500 năm. Và ngay khi gặp khó khăn đầu tiên trên đường đi thỉnh kinh, Tôn Ngộ Không đã giết chết 6 tên cường đạo, rồi bị Đường Tăng đuổi đi vì phạm phải sát giới, bởi 6 tên cướp chỉ là người phàm.
Thực ra, đây là tình tiết được Phật Tổ và Phật bà Quan Âm “cài cắm” để lồng ghép những triết lý của Nhà Phật.
Theo đó, sau khi thu nhận Ngộ Không làm đệ tự, hai thầy trò Đường Tăng tá túc tại một nhà một ông lão, sống cùng với đứa cháu. Đêm đó, có 6 tên cướp đột nhiên đến quấy rối. Với võ thuật cao cường kèm 72 phép biến hóa, Ngộ Không đã dễ dàng đánh tan bầy cướp. Nhưng lẽ ra chỉ cần đuổi chúng đi, với bản tính hiếu thắng, Ngộ Không đã không kiềm chế được mà ra tay đánh chết 6 tên cướp, phạm phải đại sát giới của người tu hành.

Điều đó khiến Đường Tăng tức giận: “Đã nghe ta, làm đồ đệ của ta thì không được sát sinh. Ngươi làm như vậy làm sao đến được đất Tây Thiên bái Phật. Nhà ngươi chẳng nghĩ phải trái giết tất cả, không có một lòng từ bi hiếu sinh nào. Ác quá. Ác quá”.
Ngộ Không nghe vậy liền ném chiếc mũ mà Đường Tăng khâu xuống đất và nói: “Ta hết lòng phụng sự cho thầy, ấy vậy mà giờ gánh thêm tội sát sinh. Không đến đất Phật, Lão Tôn ta cũng không cần”. Tức thời Ngộ Không nhún mây bỏ mặc Đường Tăng.
Sau đó, Quan Âm đã hóa thân
Khi Ngộ Không đã bỏ Đường Tăng mà đi, Quán Âm Bồ tát hoá thân làm một bà lão, tặng cho Đường Tăng chiếc vòng Kim cô bằng vàng cùng bài “Khẩn cô nhi chú” để kiềm chế Ngộ Không.
Đến đây, người ta mới thấy rõ được những tính toán của Phật Tổ và Quan Âm, muốn cho thầy trò phải qua hoạn nạn, hiểu lầm thì mới tỏ được lòng nhau mà hoàn thành đại sự. Mà muốn tỏ lòng nhau thì phải thấu hiểu được mọi xúc cảm, từ mừng vui, giận dữ đến lo nghĩ, ham muốn.
Lục căn là gì?
Trên thực tế, 6 tên cường đạo này là 6 con yêu quái hoá thành, chúng lần lượt là: Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn).
Đây chính là lục căn.
Theo triết lý Nhà Phật, để lấy được chân kinh thì lục căn phải thanh tịnh, khi lục căn còn, việc tu luyện ắt thất bại. Một khi đã chọn con đường tu hành, phải loại bỏ được tâm căn xấu xí. Đây cũng chính là vấn đề phải giải quyết đầu tiên khi bắt đầu quá trình tu hành.

Tuy nhiên để khắc chế bản tính nóng giận, Tôn Ngộ Không phải đeo kim cô chú và chịu sự kiểm soát của Đường Tăng, điều ấy tương đương với việc, để hoàn thiện chính bản thân mình, phần người phải chế ngự được phần “con” có thể nộ thiên bất cứ lúc nào.
Trong thế giới đắc đạo tu hành, con người thường bị ảnh hưởng lớn bởi môi trường xung quanh và những ảnh hưởng này mỗi ngày một tồi tệ, khi con người thanh tịnh, biết được rằng cuộc sống cần phải vô vi thì ắt tự thấy chân tâm, nhìn thấy bản tính thực sự của mình.
Trong suốt hành trình sang Tây Thiên, trước khi Ngộ Không đi xin cơm chay thường vẽ một vòng tròn lớn trên mặt đất để bảo vệ thầy, đây chính là giới hạn cần có của một người tu đạo chân chính; Trư Bát Giới thường bị dẫn dụ mà rời xa vòng dục vọng nên căn cơ tu đạo không đủ – đó cũng chính là nguyên nhân tại sao trong 3 huynh đệ chỉ có Tôn Ngộ Không được tấn phong Phật.